Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Stress vì đi làm xa nhà!

- đặc biệt với những người đi làm xa nhà hoặc tiêu tốn nhiều thời gian cho việc tham gia giao thông ngoài đường phố. Về lâu dài, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống.

Mệt mỏi hẳn là cảm giác chung của gần như mọi người dân đô thị ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới mỗi khi đi làm vào buổi sáng. Thống kê của thời báo USA Today cho thấy trung bình mỗi người dân Mỹ tốn 25,5 phút để đi từ nhà đến cơ quan, tức họ mất ít nhất 51 phút/ngày - tương đương 204 giờ/năm - chỉ để di chuyển qua lại giữa nhà và nơi làm việc.

Stress vì đi làm xa nhà!

Những ảnh hưởng tiêu cực của việc đi làm xa nhà đối với sức khỏe thể chất

Trong một nghiên cứu vào năm 2012, đội ngũ các nhà khoa học gồm Tiến sĩ Christine M. Hoehner và các cộng sự đến từ Đại học Y Dược Saint Louis và Viện Cooper ở Dallas khám phá ra rằng việc lái xe đi làm hơn 10 dặm (khoảng 16km) mỗi ngày có liên quan đến sự gia tăng cholesterol và lượng đường trong máu ở cơ thể người. Nồng độ glucose trong máu quá cao có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường, trong khi lượng cholesterol cao là dấu hiệu đáng báo động của các bệnh liên quan đến tim mạch. Công trình nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học The American Journal of Preventive Medicine vào đầu năm 2013.

Việc lái xe đi làm hơn 10 dặm (khoảng 16km) mỗi ngày có liên quan đến sự gia tăng cholesterol và lượng đường trong máu ở cơ thể người

Nhiều nghiên cứu khác khẳng định mối liên hệ giữa việc đi làm xa nhà và tình trạng huyết áp bất ổn. Vào năm 2012, David Strayer - nhà tâm lý học đến từ Đại học Utah - thực hiện một cuộc thí nghiệm mà trong đó, những người tham gia được yêu cầu lái ôtô đến một cuộc hội thảo quan trọng. Những người tham gia này nhận được thông báo rằng họ sẽ bị muộn nếu không đi ngay, và được trả tiền để đến địa điểm hội thảo càng nhanh càng tốt. Một nửa số người tham gia phải di chuyển trên những con đường đông đúc hoặc ùn tắc giao thông, nửa còn lại được bố trí địa điểm hội thảo ở một nơi khác có mật độ giao thông thấp hơn. Kết quả thí nghiệm cho thấy nhóm người phải lái xe trong môi trường giao thông ách tắc bị căng thẳng thần kinh nặng nề hơn và có huyết áp cao hơn nhóm còn lại. Một nghiên cứu khác được thực hiện trên 4297 người dân ở Texas cho ra kết quả rằng nơi làm việc càng xa nhà, hoặc thời gian di chuyển càng lâu, huyết áp càng cao. Tình trạng huyết áp cao về lâu dài có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch và nhiều chứng rối loạn khác của cơ thể.

Người dân nào mất hơn nửa tiếng cho việc di chuyển từ nhà đến nơi làm việc dễ bị chi phối bởi stress và các chứng rối loạn lo âu

Người dân nào mất hơn nửa tiếng cho việc di chuyển từ nhà đến nơi làm việc dễ bị chi phối bởi stress và các chứng rối loạn lo âu

Bên cạnh đó, giới chuyên gia sức khỏe cũng cảnh báo rằng việc ngồi trong xe ôtô suốt nhiều giờ trong tuần - bất kể bạn là người lái xe hay người ngồi sau - có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống và dáng người của chúng ta về lâu dài. Nhiều người dân làm việc xa nhà thừa nhận rằng họ thường có những cơn đau lưng ở cổ hoặc lưng vì ngồi xe quá nhiều hoặc quá lâu.

Tác hại của việc đi làm xa nhà đối với sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống

Bên cạnh các ảnh hưởng về mặt thể chất, công trình nghiên cứu của Hoehner và các cộng sự còn phát hiện ra mối liên hệ mật thiết giữa việc đi làm xa nhà vào mỗi ngày và xu hướng mắc phải chứng trầm cảm, lo âu và tách biệt với xã hội. Báo cáo của Cơ quan thống kê quốc gia Vương Quốc Anh cho thấy những người dân nào mất hơn nửa tiếng cho việc di chuyển từ nhà đến nơi làm việc dễ bị chi phối bởi stress và các chứng rối loạn lo âu hơn hẳn những người đi làm gần nhà hoặc không phải di chuyển nhiều. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Health Economics vào năm 2011, nhóm tác giả phát hiện ra rằng phụ nữ dễ bị căng thẳng và lo lắng về vấn đề đi lại nhiều hơn nam giới, mặc dù phần lớn họ có thời gian làm việc và tham gia giao thông ít hơn. Trưởng nhóm nghiên cứu - giáo sư Jennifer Roberts đến từ Đại học Sheffield (Vương Quốc Anh) - lý giải như sau: trong khi phần lớn nam giới đến thẳng nơi làm việc, phụ nữ “thường phải dừng chân nhiều lần hơn trong suốt chặng đường đi của mình để đưa con đến trường hoặc đi siêu thị. Họ có nhiều việc phải làm hơn và có ít thời gian thư giãn hơn trong quá trình di chuyển. Chính điều này dẫn đến stress”.

Nhiều cuộc khảo sát được thực hiện trên những người dân đi làm xa cho thấy mức độ hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của họ thấp hơn hẳn những người ít phải di chuyển. Cụ thể, trong một nghiên cứu của Christian đăng trên tạp chí Preventive Medicine vào năm 2012, những người dân được phỏng vấn bày tỏ rằng việc phải thường xuyên ra khỏi nhà vì công việc khiến họ không còn thời gian dành cho gia đình và những mối quan hệ có ý nghĩa. Với nam giới, ứng với mỗi giờ đi làm về trễ, họ mất đi 21,8 phút thời gian dành cho bạn đời, mất đi 18,6 phút dành cho con cái và 7,2 phút dành cho bạn bè. Với phụ nữ, một giờ đi làm về trễ tương ứng với việc mất đi 11,9 phút dành cho bạn bè. Thống kê chỉ số cân bằng cuộc sống Regus (The Regus Work-Life Balance Index) vào năm 2012 còn chỉ ra rằng những người dân mất hơn 45 phút để đi làm mỗi ngày thậm chí không có đủ thời gian để nghỉ ngơi một cách trọn vẹn; họ có chất lượng giấc ngủ giảm sút và dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi hơn hẳn những người không đi làm xa.

Giải pháp

Bác sĩ David Ogilvie - chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Dinh Dưỡng và Các Hoạt Động Thể Chất (CEDAR) thuộc Đại Học Cambridge, Vương Quốc Anh - đề xuất chúng ta nên nhìn nhận khía cạnh tích cực của việc di chuyển qua lại giữa nhà và cơ quan. “Nhiều người trong chúng ta không có nhiều thời gian dành cho các hoạt động rèn luyện thể chất”, Ogilvie nhận định. Vì điều này, Ogilvie cùng các cộng sự đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm mục đích nhận diện giá trị của thói quen đi lại một cách chủ động.

Sử dụng xe đạp hoặc phương tiện công cộng để đi làm vào mỗi ngày, chỉ số khối cơ thể (BMI) của họ có xu hướng giảm và trở nên cân đối hơn

Sử dụng xe đạp hoặc phương tiện công cộng để đi làm vào mỗi ngày, chỉ số khối cơ thể (BMI) của họ có xu hướng giảm và trở nên cân đối hơn

“Đi lại một cách chủ động” (active commuting) là một khái niệm mới đang nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng lẫn cộng đồng các nhà khoa học trong những năm gần đây. Thay vì phụ thuộc vào các phương tiện giao thông cơ giới, khái niệm “đi lại một cách chủ động” khuyến khích chúng ta chủ động sắp xếp thời gian cho việc đi lại một cách khoa học để không phải căng thẳng hay lo lắng về nó, và ưu tiên sử dụng xe đạp hoặc đi bộ trong khả năng có thể.

Nghiên cứu gần đây của Ogilvie cho thấy khi người dân ngừng sử dụng xe cơ giới và chuyển sang đi bộ, sử dụng xe đạp hoặc phương tiện công cộng để đi làm vào mỗi ngày, chỉ số khối cơ thể (BMI) của họ có xu hướng giảm và trở nên cân đối hơn. “Hầu hết những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng đều phải đi bộ hoặc vận động cơ thể mỗi khi di chuyển giữa các trạm dừng” - Ogilvie diễn giải lợi ích của việc sử dụng phương tiện công cộng thay cho xe máy hoặc ôtô trong trường hợp bạn buộc phải đi làm xa nhà và không có sự lựa chọn khác.

Mặc dù chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định giá trị của việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng thay cho phương tiện cá nhân, bác sĩ Ogilvie nhấn mạnh rằng: “Việc đi làm và tham gia giao thông đường phố là điều mà hầu hết chúng ta phải thực hiện gần như mỗi ngày. Dù thế nào bạn cũng sẽ mất nhiều thời gian cho việc đi lại mỗi ngày, thế thì hãy tận dụng triệt để khoảng thời gian đó để vận động cơ thể, rèn luyện thể chất và làm những điều có lợi nhất cho sức khỏe của bản thân, càng hiệu quả càng tốt!”.

ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người cao tuổi mắc bệnh khớp nên tập luyện thế nào?

Chứng bệnh khớp thường gặp khi có tuổi Thực ra đó là một loại bệnh mạn tính, thường phát sinh sau tuổi trung niên, phần nhiều ở các khớp cổ,...